Ngày 28/11/2024 tại TP. HCM, VCCI-HCM đã tổ chức buổi Tổng kết chương trình phát triển kỹ năng cho ngành nuôi biển công nghiệp Việt Nam với mong muốn chia sẻ thông tin, các kết quả tiêu biểu của chương trình, đồng thời giới thiệu và chuyển giao Bộ tài liệu và Chương trình đào tạo ngắn hạn nghề Nuôi biển công nghiệp.
Phát biểu tại buổi tổng kết chương trình, Ông Võ Tân Thành – Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khẳng định: “Sự chuyển đổi từ nuôi biển truyền thống sang mô hình công nghiệp không chỉ là nhu cầu mà còn là thách thức mang tính chiến lược quốc gia. Nuôi biển Việt Nam đã và đang chuyển từ nuôi truyền thống sang nuôi công nghệ hiện đại, từ nuôi gần bờ sang nuôi vùng biển xa bờ; tích hợp đa giá trị, gắn với các ngành kinh tế biển khác. Kết quả năm 2023, nuôi biển đạt sản lượng 790 nghìn tấn (tăng 10,1% so với năm 2022), kim ngạch xuất khẩu đạt 552 triệu USD. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu SL 1,45 tr tấn và kim ngạch xuất khẩu từ 1,8-2.0 tỷ USD vào năm 2030 thì cần sự nỗ lực của tất cả các mắt xích liên quan đến hoạt động nuôi biển, đặc biệt là bà con nông dân”.
Bà Hilde Solbakken – Đại sứ Na Uy tại Việt Nam nhấn mạnh sự quan trọng của hợp tác quốc tế trong việc chuyển giao công nghệ và kinh nghiệm quản lý. Bà chia sẻ: “Liên đoàn Giới chủ Na Uy (NHO) và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã hợp tác chặt chẽ từ năm 2004.
Kết quả của quá trình hợp tác lâu dài giữa VCCI-HCM và NHO, Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam (VSA), cùng sự tham gia tích cực các chuyên gia trong ngành, và giảng viên từ cơ sở GDNN là ấn phẩm quan trọng có giá trị thực tiễn như: Bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề, Chương trình đào tạo và Bộ tài liệu gồm 7 nội dung trọng tâm được biên soạn kỹ lưỡng, bám sát thực tế tại các trang trại nuôi biển công nghiệp, đồng thời tích hợp những kinh nghiệm quốc tế, đặc biệt từ Na Uy.
Ông Nhữ Văn Cẩn – Phó Cục trưởng Cục Thuỷ sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, nhấn mạnh: “Cục Thủy sản đánh giá rất cao “Bộ tiêu chuẩn Kỹ năng nghề và Chương trình đào tạo ngắn hạn cho nghề nuôi biển công nghiệp” cùng với các hoạt động đào tạo, chuyển giao do VCCI chủ trì biên soạn và thực hiện. Trong thời gian tới, Cục Thủy sản sẽ phối hợp với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp chuẩn hóa Bộ tiêu chuẩn này, hợp tác với các nhà trường và doanh nghiệp trong phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.”
Anh Nguyễn Thanh Tùng– người nuôi biển tại Kiên Giang, chia sẻ: “Trước đây, tôi chỉ quen với cách nuôi truyền thống bằng bè gỗ, phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Nhờ khóa học này, tôi đã học được cách vận hành lồng nuôi công nghệ cao, hiểu rõ hơn về kiểm soát dịch bệnh và tối ưu hóa quy trình nuôi. Điều này không chỉ giúp tôi giảm thiểu rủi ro mà còn nâng cao năng suất.”
Ông Hoàng Ngọc Bình – đại diện Công ty TNHH Thuỷ sản Australis Việt Nam – doanh nghiệp sản xuất, chế biến và xuất khẩu cá chẽm lớn nhất thế giới với sản lượng hàng năm đạt trên 10,000 tấn và đang thực hiện dự án nuôi trồng thuỷ sản thông tin tại khu vực vịnh Vân Phong – chia sẻ với định hướng mở rộng quy mô nuôi biển theo hướng công nghiệp và đưa lồng bè vùng biển hở, xa bờ, ngoài việc đầu tư cơ sở vật chất, khoa học công nghệ, một trong những sự chuẩn bị cần thiết trong tương lai là chú trọng vào phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng thực hành tốt trình độ chuyên môn cao, để có thể đáp ứng được những nhu cầu của thực tiễn.
Ông Nguyễn Quang Việt – Cục trưởng Cục Kiểm định chất lượng GDNN – Tổng cục GDNN cho biết cách tiếp cận vừa định hướng cho tương lai vừa bám sát thực tế và tham khảo kinh nghiệm quốc tế của chương trình rất mới mẻ và phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam.
Các cơ sở đào tạo hiện nay có quyền tự chủ trong việc xây dựng chương trình đào tạo cho nên việc chuẩn hoá, cập nhật chương trình đào tạo phụ thuộc hoàn toàn vào trường và rất cần các nguồn tài liệu tham khảo. Sản phẩm của chương trình bao gồm quy trình, phương pháp, bộ công cụ và thực tiễn triển khai là nguồn tham khảo rất tốt cho các trường.
Bà Bùi Thị Ninh, Phó giám đốc VCCI – HCM chia sẻ “Chương trình đào tạo kỹ năng cho ngành nuôi biển công nghiệp là minh chứng cho hiệu quả của mô hình hợp tác ba bên giữa nhà nước, doanh nghiệp và trường học. Chúng tôi tin tưởng rằng những kết quả đạt được hôm nay sẽ là nền tảng để ngành nuôi biển Việt Nam vươn mình mạnh mẽ, tạo dấu ấn trên bản đồ thủy sản thế giới.”
Nguồn nhân lực phục vụ nuôi biển nước ta còn hạn chế cả về số lượng và trình độ kỹ thuật. Thực tế lao động thường xuyên trong chuỗi sản xuất nuôi biển hiện nay thường làm việc theo kinh nghiệm, được truyền nghề theo kiểu truyền thống, trình độ kỹ thuật hạn chế, chưa thể đáp ứng yêu cần nuôi quy mô lớn, đặc biệt là nuôi ở vùng biển mở, nơi tiềm ẩn nhiều rủi ro. Do vậy, để ngành nuôi biển phát bền vững và hiệu quả, đào tạo nguồn nhân lực có chuyên môn, kỹ thuật phù hợp là rất quan trọng.
Mô hình đào tạo nhân lực theo sự dẫn dắt của ngành để đáp ứng nhu cầu lao động của thị trường về nuôi biển do VCCI chi nhánh Tp HCM thực hiện với sự hỗ trợ của Liên đoàn giới chủ Nauy và sự tham gia của một số cơ quan, đơn vị, hiệp hội là một hoạt động rất thiết thực để góp phần thúc đẩy nuôi biển bền vững.
Cục Thủy sản ghi nhận và đánh giá cao “Bộ tiêu chuẩn Kỹ năng nghề và Chương trình đào tạo ngắn hạn cho Nghề nuôi biển công nghiệp” cùng với các hoạt động đào tạo, chuyển giao do VCCI chủ trì biên soạn và thực hiện.
Cục Thủy sản cũng đã phối hợp với VCCI-HCM tổ chức 02 lớp tập huấn kiến thức chung về nuôi biển công nghiệp cho các học viên là cán bộ ngành thủy sản các tỉnh ven biển Việt Nam; đồng thời tổ chức cuộc họp thảo luận về việc đào tạo nghề cho nuôi biển, kết nối hợp tác giữa VCCI-HCM và các trường đại học, cao đẳng có đào tạo chuyên ngành thủy sản.
Với những nỗ lực không ngừng, ngành nuôi biển công nghiệp Việt Nam đang tiến gần hơn đến mục tiêu trở thành một ngành kinh tế chủ lực, đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước.
Việc phát triển nhân lực có kỹ năng, cùng sự hợp tác giữa nhà nước, doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế là chìa khóa để thúc đẩy ngành nuôi biển Việt Nam đạt được những mục tiêu bền vững và cạnh tranh hơn trên thị trường toàn cầu.”
Phi Hùng