Vừa qua, tại Hội nghị đối thoại giữa doanh nghiệp và chính quyền thành phố do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường, các doanh nghiệp nhà nước cho biết các quy định quản lý đất đai đang gây khó khăn cho các doanh nghiệp nhiều năm qua.
Đại diện Công ty TNHH MTV Dịch vụ Công ích quận 4 phản ảnh, nhiều năm nay phải đóng tiền thuê khu đất được giao có diện tích không khớp với diện tích thực tế. Công ty đã nộp tiền sử dụng đất 10.506 m2 và phần diện tích đất chênh lệch tăng thêm 1.978,2m2 theo quy định của Chi cục Thuế quận 4, nhưng Chi cục Thuế quận 4 xác định số tiền trên chỉ là tạm tính, đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường xác định tiền sử dụng phần đất chênh lệch.
Từ năm 2016 đến nay, phía công ty đã có các văn bản đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường xác định giá đất thực hiện nghĩa vụ tài chính của diện tích đất này, nhưng đến nay vẫn chưa có trả lời. Mặc dù vậy, công ty vẫn tạm nộp tiền thuê phần diện tích chênh lệch 60 tỷ đồng. Những bất cập trong chính sách quản lý đất đai đã gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp này.
Tương tự, Tổng công ty Bến Thành cũng gặp vướng mắc về sai lệch diện tích đất lâu năm và vẫn chưa được giải quyết. Theo đó, đơn vị này được UBND TP.HCM cho thuê đất tại phường Tân Thới Hiệp, quận 12 từ năm 1997 với diện tích đất là 13.650m2 nhưng sau đó năm 2015, UBND TP có quyết định điều chỉnh diện tích còn lại 8.009,1m2. Thế nhưng, từ đó đến nay, DN này phải đóng tiền thuê đất cho diện tích 13.650m2, mặc dù diện tích thực tế chỉ còn 8.009,1m2.
Chia sẻ về các vấn đề doanh nghiệp đang gặp phải, ông Nguyễn Toàn Thắng – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho biết, tất cả doanh nghiệp nhà nước đang sử dụng nhà và đất đều phải thực hiện theo Nghị định 167 và Nghị định 67/2021/NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 167. Sau đó, mới xử lý theo quy định của Luật Đất đai.
“Tháng 2/2022, UBND TP.HCM đã có công văn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho thành phố xây dựng và ban hành hệ số điều chỉnh giá đất phù hợp với tình hình thực tế trên địa bàn thành phố, trình HĐND TP.HCM thông qua. Trên cơ sở đó, UBND ban hành hệ số điều chỉnh giá đất, tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với tất cả các khu đất, thửa đất, thay vì phải thực hiện thuê đơn vị tư vấn để xác định giá đất cụ thể theo các phương pháp thẩm định giá. Mong các doanh nghiệp chia sẻ và tiếp tục đồng hành để hoàn thành việc xác định đúng, đủ nghĩa vụ của các bên”, ông Nguyễn Toàn Thắng nói thêm.
Tổng công ty thương mại Sài Gòn (Satra) cũng phản ảnh, Luật Đất đai năm 2013 không quy định việc các tổ chức sử dụng đất phải được phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý tài sản công trước mới thực hiện ký hợp đồng thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng hiện nay Sở Tài nguyên và Môi trường yêu cầu hồ sơ ký hợp đồng thuê đất, cấp giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất (QSDĐ) phải có văn bản của UBND TP phê duyệt phương án. Yêu cầu này là một trong những nguyên nhân làm chậm việc ký hợp đồng thuê đất, gây khó khăn trong sử dụng nhà, đất cho DN.
Không chỉ vậy, nhiều doanh nghiệp cho biết, đã nhiều năm vẫn chưa có hợp đồng thuê đất, muốn đóng tiền sử dụng đất đúng thời hạn nhưng không được. Tiền thuê đất bị dồn ứ nhiều năm, có khi hàng chục năm, nếu phải đóng theo giá thẩm định hiện tại thì tiền thuê đất nhiều khi còn lớn hơn cả quy mô vốn của công ty.
Theo bà Trương Thị Hương Giang – Kiểm soát viên Công ty Liksin, những bất cập thời gian qua xuất phát từ việc quy định quản lý đất đai chồng chéo, việc tháo gỡ khó khăn không hiệu quả. Tuy nhiên, cũng có những doanh nghiệp không hiểu đúng về Luật Đất đai, không nắm rõ quy trình thực hiện. Do đó, nhiều cơ quan ban ngành như tài nguyên môi trường, tài chính, thuế… phải bàn thảo cùng nhau tháo gỡ.
Theo lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, sau khi ghi nhận tất cả các vướng mắc của doanh nghiệp, Sở sẽ họp cùng chính quyền TP để tìm cách khắc phục. Những vấn đề nào vượt thẩm quyền, Sở sẽ kiến nghị lên cấp trên để có câu trả lời sớm nhất cho doanh nghiệp.
Theo Doanhnghiephoinhap.vn