Các sở, ngành, quận, huyện phải báo cáo hoạt động môi giới, công bố quy hoạch, kiểm soát giao dịch ảo và nạn thổi giá đất trước 31/5. UBND TP HCM vừa chỉ đạo khẩn cho các sở, ngành, quận, huyện và TP Thủ Đức chấn chỉnh công tác quản lý Nhà nước về giá đất nhằm kiểm soát tình trạng thổi giá, đẩy giá đất lên cao để thu lợi bất chính.
Theo đó, Sở Xây dựng TP HCM được giao tăng cường quản lý chặt chẽ các dự án bất động sản, nhất là hình thành trong tương lai, bảo đảm việc đưa vào kinh doanh, chuyển nhượng phải đủ các điều kiện theo quy định. UBND TP HCM cũng chỉ đạo Sở Xây dựng kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động môi giới tuân thủ đúng các quy định.
Sở Tài nguyên Môi trường, Văn phòng đăng ký đất đai Thành phố, UBND TP Thủ Đức và UBND các quận, huyện có trách nhiệm quản chặt các hoạt động chuyển mục đích sử dụng đất để thu nghĩa vụ thuế, kiểm soát các giao dịch ảo, thổi giá đất, giá bất động sản. Ủy ban cũng đề nghị các cơ quan quản lý xử lý nghiêm hành vi không đưa đất vào sử dụng, sử dụng đất chậm so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư.
Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở Tài nguyên Môi trường, UBND TP Thủ Đức và UBND các quận, huyện phải tiến hành công bố thông tin quy hoạch để người dân tiếp cận các nguồn tin chính thống, không bị nhiễu thông tin, tránh bị giới đầu cơ lợi dụng thổi giá, đẩy giá đất lên cao nhằm thu lợi bất chính.
Khu đô thị Đại học Quốc gia TP HCM nằm ở TP Thủ Đức. Ảnh: Quỳnh Trần.
Thành phố cũng yêu cầu Sở Tài nguyên Môi trường có kế hoạch chủ động điều tiết quỹ đất ra thị trường thông qua việc tạo quỹ đất sạch để đấu giá quyền sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Sở Tư pháp, Sở Thông tin Truyền thông, UBND TP Thủ Đức và UBND các quận, huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về đầu tư, pháp luật về kinh doanh bất động sản thông tin kịp thời về quy hoạch của địa phương để người dân hiểu và thực hiện, tránh bị lợi dụng, trục lợi.
Đến trước ngày 31/5, Sở Tài nguyên Môi trường sẽ làm đầu mối tổng hợp kết quả tổng rà soát diễn biến thị trường địa ốc, biến động giá đất và giao dịch bất động sản từ các sở, ngành, quận, huyện và TP Thủ Đức để trình UBND TP HCM báo cáo Bộ Tài nguyên Môi trường.
Trước đó, từ cuối tháng 3 đến tháng 4/2021, nhiều địa phương (trong đó có TP HCM) được cảnh báo có dấu hiệu sốt đất ảo cục bộ khiến các cơ quan quản lý tăng cường giám sát và công bố thông tin tại các điểm nóng này. Đến tháng 5/2021, theo báo cáo của Bộ Xây dựng, các cơn sốt đất ảo đầu năm ở các tỉnh miền Bắc, Trung và Nam đã hạ nhiệt.
Tuy nhiên, để ngăn chặn sốt đất ảo tái bùng phát, Bộ Xây dựng tiếp tục khuyến cáo các bộ, ngành từ trung ương đến địa phương cần tiếp tục công bố công khai, minh bạch thông tin quy hoạch, tiến độ các dự án. Đặc biệt các địa phương cần có biện pháp quản lý, ngăn chặn việc chia tách, phân lô bán nền tại các khu vực chưa được phép đầu tư và chưa hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng.
Các tổ chức tín dụng cần tăng cường kiểm soát chặt dòng vốn tín dụng, cơ quan chuyên trách tiếp tục rà soát trái phiếu doanh nghiệp đang đầu tư, kinh doanh bất động sản. Các địa phương tiếp tục kiểm soát việc mua đi, bán lại các giao dịch bất động sản trao tay nhiều lần, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh bất động sản không đúng quy định, nhất là các dự án ma, không đủ điều kiện kinh doanh…
Theo VNE