Các gói vay ưu đãi, hỗ trợ của Chính phủ đang tạo cú hích mới cho cuộc đua xây nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động có thu nhập thấp nóng trở lại. Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP HCM (HoREA) cũng đánh giá thị trường bất động sản đang thiếu nguồn cung nhà ở.
Theo Zing
Hơn 5 năm rời Hà Tĩnh vào TP HCM làm công nhân của một công ty sản xuất, gia công giày lớn, chị Nguyễn Thị Thanh, 37 tuổi vẫn chưa thực hiện được ước mơ mua được một căn nhà ở giá rẻ ở khu vực Bình Dương, Đồng Nai.
“Với mức lương khoảng 9 triệu đồng/tháng, trừ chi phí tiền phòng, điện, nước, ăn uống, nuôi con và một số sinh hoạt cá nhân khác, số tiền tiết kiệm còn lại không được bao nhiêu”, chị kể.
Thực tế, không chỉ chị Thanh mà đa số công nhân lao động hiện nay không dám mơ tưởng đến việc mua nhà ở xã hội. Bởi, nguồn cung nhà ở xã hội rất hiếm, không đa dạng, mức giá phổ biến khoảng 16-30 triệu đồng/m2. Trong khi các dự án có mức giá dưới 15 triệu đồng/m2 luôn trong cảnh cháy hàng.
Theo thống kê, cả nước hiện có 7 triệu lao động cần an cư, nhưng số lượng nhà ở mới đáp ứng 30% nhu cầu. Tuy nhiên, hiện nay cuộc đua xây dựng nhà ở xã hội đang bắt đầu “nóng” trở lại khi gói vay ưu đãi 15.000 tỷ đồng và gói hỗ trợ 2% lãi vay thương mại vừa được Chính phủ “tung ra” trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội 2022-2023.
Nhiều người lao động đủ điều kiện khó tiếp cận với nhà ở xã hội giá rẻ. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Loạt doanh nghiệp lớn tham gia
Thực tế, chỉ trong hơn 4 tháng đầu năm, hàng loạt dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đã được nhiều doanh nghiệp khởi công hoặc lên kế hoạch xây dựng trên khắp cả nước.
Trong đó, có nhiều ông lớn trong ngành bất động sản như Vinhomes, Tập đoàn Hòa Bình, Becamex IDC, Tổng công ty Viglacera, Tập đoàn APEC, Tập đoàn Nam Long, địa ốc Sài Gòn, Hoàng Phúc, TTC Land… Ngoài ra có một số doanh nghiệp nhà nước như Tổng công ty đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD)…
Cụ thể, tại Hà Nội, HUD chuẩn bị làm dự án nhà ở xã hội Vân Canh, Hoài Đức với tổng diện tích sàn hơn 53.000 m2, 463 căn hộ. Ngay trong năm 2022, doanh nghiệp này đồng loạt khởi công 5 dự án với tổng diện tích sàn hơn 230.000 m2, gần 2.500 căn hộ.
Liên doanh Công ty BIC và Him Lam cũng đang triển khai xây dựng hạ tầng của 3 tòa (CT1, CT2, CT3) cao 22 tầng với khoảng 1.900 căn hộ tại phường Thượng Thanh (quận Long Biên).
Tại tỉnh Bình Dương, giữa tháng 3, Tổng công ty Becamex IDC đã khánh thành khu 2 nhà ở xã hội Định Hòa và động thổ các dự án nhà ở xã hội ở những khu vực đông công nhân lao động.
Dự kiến trong giai đoạn từ nay đến 2023, doanh nghiệp này tiếp tục xây dựng 20.000 căn nhà ở xã hội giai đoạn tiếp theo tại khu VietSing (TP Thuận An), khu Định Hòa (TP Thủ Dầu Một), khu Mỹ Phước (thị xã Bến Cát), khu Bàu Bàng (huyện Bàu Bàng) với mức đầu tư khoảng 9.500 tỷ đồng.
Không chỉ có các dự án đã khởi công, hàng loạt doanh nghiệp cũng cho biết đang có kế hoạch đầu tư dự án nhà ở xã hội quy mô lớn.
Mới đây, tại Đại hội cổ đông thường niên Vinhomes, Chủ tịch Vinhomes Phạm Thiếu Hoa cho biết sẽ bắt đầu kế hoạch hoàn thành 500.000 căn nhà ở xã hội trong vòng 5 năm tới, giá bán dự kiến khoảng 300-950 triệu đồng/căn.
Nhiều doanh nghiệp ngần ngại đầu tư nhà ở xã hội vì xin dự án khó, pháp lý phức tạp mà lợi nhuận không cao. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Hay Hòa Bình Group, ngoài đề xuất xây dựng 2.000 căn hộ nhà ở xã hội tại 393 Lĩnh Nam và dự án nhà ở xã hội quy mô lớn tại huyện Đông Anh, doanh nghiệp này cũng đặt mục tiêu xây khoảng 10.000 căn hộ nhà ở xã hội ở nhiều tỉnh, thành trong năm 2022.
Trước đó, năm 2021, Tập đoàn APEC cũng đã có văn bản gửi Thủ tướng đề xuất được xây dựng 6-10 triệu căn nhà ở xã hội tại nhiều đô thị trên cả nước trong giai đoạn từ nay đến 2030.
Trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, mục tiêu đầu tư xây dựng tối thiểu khoảng 12,5 triệu m2 nhà ở xã hội tại khu vực đô thị; đáp ứng cho khoảng 70% công nhân tại các khu công nghiệp có nhu cầu. Riêng TP HCM, mục tiêu từ 2021 đến 2025, thành phố sẽ xây trên 35.000 căn nhà ở xã hội.
Thiếu nguồn cung trầm trọng
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, trên địa bàn cả nước đã hoàn thành 275 dự án nhà ở xã hội, quy mô xây dựng khoảng hơn 147.000 căn; đang tiếp tục triển khai 339 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 371.500 căn.
Trong đó, đối với nhà ở xã hội ở dành cho công nhân khu công nghiệp, đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 121 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 54.000 căn hộ; đang tiếp tục triển khai 100 dự án với quy mô xây dựng khoảng 134.000 căn hộ.
Riêng năm 2021 đã hoàn thành đầu tư xây dựng 17 dự án, quy mô xây dựng khoảng 27.800 căn hộ, với tổng diện tích gần 1,4 triệu m2.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh thừa nhận thiếu quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội; vướng mắc trong thủ tục lựa chọn chủ đầu tư; thiếu nguồn vốn ưu đãi và cơ chế khuyến khích chủ đầu tư chưa thực chất, chưa đủ mạnh để thu hút doanh nghiệp…
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP HCM (HoREA) cũng đánh giá thị trường bất động sản đang thiếu nguồn cung nhà ở, nhất là loại nhà ở thương mại bình dân và nhà ở xã hội – 2 phân khúc đáp ứng nhu cầu thực của đông đảo người dân.
Theo ông, hiện nay doanh nghiệp chưa mặn mà với phân khúc này vì vướng nhiều quy định, thủ tục như: Thủ tục xác định giá bán, tiền sử dụng đất, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, cấp phép dự án…
“Việc khấu trừ chi phí giải phóng mặt bằng xây dựng dự án chỉ bằng 20-25% so với chi phí thực doanh nghiệp bỏ ra. Do đó, lợi nhuận định mức 10% trong phát triển nhà ở xã hội không đủ để bù đắp cho chính dự án đó”, ông Châu nói.
Mặt bằng giá thế nào?
Hiện, Hà Nội đang là địa phương có nhiều dự án nhà ở xã hội đã và đang xây dựng tại các quận Hoàng Mai, Hà Đông, Nam Từ Liêm, Đông Anh… với mức giá bán khoảng 14-16 triệu đồng/m2.
Ví dụ dự án nhà ở xã hội CT3-CT4 Kim Chung (Đông Anh, Hà Nội) có giá bán từ 13 triệu đồng/m2; Nhà ở xã hội IEC Thanh Trì có giá bán 15,8 triệu đồng/m2; Ecohome tại Bắc Cổ Nhuế, Nam Từ Liêm có giá bán 16,5 triệu đồng/m2; Nhà ở xã hội Lucky House, Hà Đông giá bán khoảng 13,9 triệu đồng/m2…
Khu đô thị Đặng Xá (huyện Gia Lâm) là dự án nhà ở xã hội đầu tiên tại Hà Nội. Ảnh: Tiến Tuấn. |
Tại TP HCM, nếu như trước năm 2019, giá bán nhà ở xã hội không quá 16 triệu đồng/m2 thì hiện nay giá căn hộ ở mức 20-33 triệu đồng/m2. Tính ra mỗi căn hộ nhà ở xã hội tại thành phố này đang có giá 1-1,7 tỷ đồng.
Đơn cử dự án nhà ở xã hội HQC Bình Trưng Đông, TP Thủ Đức có giá bán 22 triệu đồng/m2 nhưng đến nay đã tăng lên 29-33 triệu đồng/m2; Nhà ở xã hội Topaz Home 2, TP Thủ Đức đang được rao bán 22-30 triệu đồng/m2; Nhà ở xã hội Topaz Home, quận 12 có giá bán 13,8 triệu đồng/m2 nhưng đang được rao bán 29 triệu đồng/m2…
Theo đó, muốn sở hữu một căn hộ 2 phòng ngủ có diện tích 58 m2 thuộc dự án nhà ở xã hội HQC Bình Trưng Đông, người dân phải bỏ ra khoảng 1,72 tỷ đồng.