Với chủ đề “Net Zero và nền kinh tế tuần hoàn”, Liên hoan phim khoa học 2024 nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết phải thực hiện các hành động bên cạnh những nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính để giải quyết hiệu quả vấn đề bảo vệ khí hậu.
Sáng 20-10, Liên hoan phim khoa học 2024 với chủ đề Net Zero và nền kinh tế tuần hoàn diễn ra tại Thư viện Khoa học Tổng hợp TP.HCM.
Đây là chương trình thường niên do Viện Goethe (Goethe-Institut) tổ chức, phối hợp với Thư viện Khoa học Tổng hợp TPHCM, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học quốc gia TPHCM và hệ thống trường Inspire..
Trong lần thứ 14 tổ chức tại Việt Nam, Liên hoan phim khoa học 2024 sẽ trình chiếu 20 bộ phim từ 11 quốc gia trên khắp các tỉnh thành. Liên hoan phim khoa học 2024 muốn nâng cao khả năng hiểu biết về khoa học và ý thức của trẻ em và thanh thiếu niên về các vấn đề hiện tại thông qua các bộ phim quốc tế và các hoạt động giáo dục tương tác đi kèm.
Nhiều tiến bộ khoa học và vấn đề môi trường được trình bày một cách hấp dẫn, gần gũi với khán giả trẻ. Các phim chiếu trong Liên Hoan Phim được sản xuất với mục đích truyền cảm hứng cho thế hệ các nhà khoa học, nhà môi trường và kỹ sư tương lai.
Một số phim đáng chú ý có thể kể đến: Ngôi nhà của các khoa học gia nhí – Muối (Thái Lan) kể về câu chuyện các nhà khoa học nhỏ tuổi dấn thân vào một cuộc phiêu lưu thú vị tới ruộng lúa nhưng không có cây lúa nào, chỉ toàn nước biển. Chín-phút-rưỡi: Khí hydro – Liệu đó có thể là năng lượng xanh cho tương lai? (Đức) đề cập đến câu chuyện trong tương lai, nguồn nhiên liệu này có triển vọng cung cấp năng lượng cho nhân loại và thay thế các nhiên liệu hóa thạch gây hại cho khí hậu. E.C.O. Agents – All Toys (Đức, Colombia) với câu chuyện về những người hùng trẻ tuổi có nhiệm vụ cứu Trái đất…
Chủ đề của LHP năm nay nằm trong mục tiêu của Thỏa thuận Khí hậu Paris, việc nhanh chóng đạt được mức phát thải ròng bằng 0 là điều bắt buộc. Tại Hội nghị Liên hợp quốc về Biến đổi Khí hậu (COP26) diễn ra ở Glasgow vào năm 2021, Việt Nam đã cam kết về việc sẽ đưa mức phát thải ròng về “0” vào thời điểm năm 2050.
Chính vì thế cần phải cổ vũ mạnh mẽ việc tái sử dụng và tái chế sản phẩm, ưu tiên chia sẻ, sửa chữa các vật liệu và sản phẩm hiện có. Nền kinh tế tuần hoàn có thể giúp giảm thiểu sự cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, hạn chế tàn phá cảnh quan và môi trường sống, đồng thời hỗ trợ bảo tồn đa dạng sinh học.
Theo đại diện BTC, bên cạnh trẻ em ở mọi lứa tuổi và thanh thiếu niên, LHP khoa học còn hướng tới đối tượng là quý thầy cô hiện đang giảng dạy tại các trường tiểu học, THCS, PTTH trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
Sau khi tham gia đăng ký dưới vai trò là “Đại sứ khoa học“, quý thầy cô sẽ nhận được bộ tài nguyên bao gồm các phim khoa học được sản xuất bởi các nhà làm phim chuyên nghiệp và được chấm điểm bởi các nhà khoa học thực thụ, các hoạt động trải nghiệm tương ứng với phim và giáo án được soạn sẵn để triển khai ứng dụng tại nơi công tác.
Ngoài các hoạt động trực tiếp, trong thời gian diễn ra LHP các bộ phim cũng sẽ được đưa lên nền tảng trực tuyến phục vụ truy cập theo nhu cầu của quý phụ huynh học sinh.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, Liên Hoan Phim Khoa Học được tổ chức với sự đồng hành của các tổ chức sau đây:
Thư viện Khoa học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh là một đối tác lâu năm của Liên hoan phim Khoa học, góp phần mở rộng phạm vi tiếp cận của dự án và đưa những bộ phim khoa học cũng như tri thức đến với nhiều đối tượng khán giả hơn, thông qua các sáng kiến chia sẻ tri thức và sự tham gia của cán bộ thư viện ở khu vực phía Nam.
Trường Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học quốc gia Tp.HCM là một đơn vị giáo dục danh tiếng về giáo dục bộ môn khoa học tự nhiên ở khu vực phía Nam Việt Nam. Tầm nhìn chung về việc làm cho tri thức khoa học trở nên dễ tiếp cận hơn với học sinh ở mọi lứa tuổi của hai tổ chức đã mở đường cho sự hợp tác sâu sắc hơn giữa dự án và nhà trường, góp phần thúc đẩy giáo dục khoa học trong cộng đồng.
Hệ thống trường Inspire đã tham gia Liên hoan phim khoa học từ những ngày đầu hoạt động.Từ một đơn vị thụ hưởng, trường đã trở thành đơn vị đầu tiên tự tổ chức Liên hoan phim tại Việt Nam, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong hành trình trao quyền cho giáo viên và các trường học ở Việt Nam của dự án.
Nhật Hạ